Thực ra, tâm lí của em lúc này là tâm trạng mà nhiều cô gái cũng trải qua. Lí do rất đơn giản: Trước kia, khi em chưa thực sự yêu anh ấy thì em sẽ cảm thấy mọi thứ bình thường nhưng khi em đã yêu, đã trao đi tất cả những gì quý giá nhất của đời con gái thì em sẽ sợ mất anh ấy hơn. Giống như khi em chưa có gì để mất em sẽ không lo sợ, còn khi em đã cho đi quá nhiều chắc chắn trong lòng em sẽ luông mong muốn mình nhận lại phải nhiều hơn cho xứng với những gì mà em đã dành cho anh ấy.
Còn về phía người bạn nam, khi anh ấy theo đuổi và chinh phục em, chắc chắn anh ấy sẽ phải cố gắng mọi cách để chinh phục, lấy lòng em. Nhưng khi hai bên đã có bước tiến dài trong tình cảm, lại được hai bên gia đình ủng hộ, chuẩn bị cho chuyện cưới xin thì nam giới thường hay có thói quen “ngủ quên trên chiến thắng”. Nam giới thường nghĩ đơn giản là họ và em đã là một thì sự lãng mạn, ngọt ngào hay việc phải chinh phục nhau thêm nữa sẽ bị hạ nhiệt đi.
Một bên khao khát mình cần phải được yêu thương nhiều hơn, một bên lại nghĩ có được nhau rồi nên lơ là chuyện quan tâm, chăm sóc… Sự đối lập đó khiến em luôn cảm thấy bị tổn thương, bị thiệt thòi vì những lần anh ấy vô tâm.
Lúc này, em đừng ôm những tủi hờn đó trong lòng. Cả hai đã cùng nhau trải qua nhiều kỉ niệm, có dự định kết hôn thì phải chia sẻ, để đôi bên hiểu nhau hơn, đồng điệu trong tâm hồn, xích lại gần nhau. Nếu em cứ khư khư giữ những cảm xúc đó của riêng mình thì em sẽ khiến cả hai thêm xa cách và mỗi lúc sự ức chế ấy lại lớn dần lên mà thôi. Bằng chứng là em không được giải tỏa cảm xúc thế nên em nghĩ ra những việc tiêu cực như kiểu anh ấy lấy em chỉ vì trách nhiệm, rồi nghi ngờ anh ấy sau này có phản bội em không. Rõ ràng những điều đó là sự hoài nghi không đáng có và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình cảm hai bên. Nếu biết được, chắc chắn bạn trai của em cũng sẽ bị tổn thương khi em không tin anh ấy như vậy.