H. được xóm làng đánh giá là cô gái thùy mị, nết na, đã và đang được nhiều trai làng dòm ngó. Hai gia đình đều nghèo, bà Nhị cảm thấy cũng môn đăng hộ đối nên quyết định chấm H. làm con dâu.
Chính tay bà dắt con trai đến gặp H. để hai đứa biết mặt nhau. T. trước giờ vẫn khù khờ khi tiếp xúc với con gái, khi gặp cô gái, T. không biết nói gì nên phó thác chuyện lấy vợ cho mẹ quyết định. Đám cưới rộn ràng chỉ sau vài ngày mai mối, đàng trai ra mắt đàng gái rất xôm tụ. Bà Nhị dù nghèo khó vẫn cố gắng vay mượn tổ chức đám cưới rình rang cho con trai mát mặt với thiên hạ. Dân làng nườm nượp tới chúc tụng và mừng vì T. lấy được vợ.
Đêm tân hôn, T. háo hức chuyện động phòng thì H lại lấy cớ “có chuyện” nên khất hôm khác. T. hụt hẫng nhưng ráng chờ đợi, vì nghĩ vợ chồng ăn ở với nhau cả đời đâu phải một đêm. Tuy nhiên, đêm thứ hai, rồi thứ ba, H. vẫn từ chối gần gũi chồng. T. tỏ ra bực tức, anh không hiểu vì lý do gì, vợ mình đi cưới xin đàng hoàng mà giờ phải chịu cảnh “mỡ treo miệng mèo”.
Bi hài đám cưới vợ bỏ chốn sau ba ngày lấy vợ
Mấy ngày về làm dâu, H. luôn tỏ ra là người phụ nữ của gia đình, chuyện nhà cửa bếp núc cô chu toàn, chuyện đối nhân xử thế với mẹ chồng cô cũng rất ngọt ngào. Bà Nhị thấy viên mãn vì cô con dâu. Trong câu chuyện với chồng, tự nhiên H. hỏi chi phí đám cưới hết bao nhiêu? T. thật thà cho vợ biết, hết tầm 30 triệu và giờ vẫn phải vay nợ. Nghe thế H. nói sau này sẽ trả lại toàn bộ số tiền ấy nhưng người chồng không nghi ngờ gì trong câu nói của vợ mà chỉ thấy lạ vì sao vợ không cho chồng gần gũi.