Em gái H. nghe được đã giãy nảy lên, cô khóc lóc van xin gia đình đừng gả mình đi. Bên này thì kỳ kèo, thuyết phục H, bên kia mẹ con bà Nhị hối thúc liên tục. Bây giờ không chịu gả Diệu H. thì phải trả tiền, chọn cách nào?
Trước hoàn cảnh oái oăm của gia đình và để mẹ già bớt khổ, Diệu H. đã đồng ý. Đám cưới của cô em không được tổ chức rình rang như cô chị. Chỉ là nhà trai mang cặp vịt qua nhà gái gọi là lễ tuyên bố rước H. về làm dâu. Để cho chắc ăn không để cô em nối gót theo chị bỏ trốn, phía nhà trai đã yêu cầu nhà gái làm giấy cam kết trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Giấy cam kết thực hiện xong, Diệu H. chính thức sang nhà T. làm vợ.
Sau 5 năm chung sống, H. sinh cho nhà trai đứa con trai kháu khỉnh. Tuy trong gia cảnh nghèo khó nhưng Diệu H. không một lời than thở, hết lòng vì chồng con, hiếu thuận với cha mẹ chồng. Cuộc sống của vợ chồng T. từng một thời rất hạnh phúc, chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ và chăm con. Khi đã yên tâm trong khoảng thời gian khá dài, con cái cũng có nên T. quyết định hủy tờ cam kết. Coi như món quà tặng vợ, và niềm tin vợ chồng không bị xói mòn bởi tờ giấy ràng buộc ấy nữa.
Ông Trịnh Tài Hương, Trưởng ấp Cạnh Điền III (xã Vĩnh Phong): “Câu chuyện cô dâu bỏ trốn sau ngày cưới, bắt em gái vào thay hoàn toàn có thật. Khi đó, cuộc hôn nhân giữa hai bên diễn ra là do mai mối. Cô dâu vì phản đối quyết định của cha mẹ nên đã bỏ nhà ra đi. Đàng gái không có tiền bồi thường cho nhà trai phải nhờ cô em thay thế chị làm vợ anh T.