Tôi phải cảm ơn diễn viên Hòa Tâm đã “ân huệ” cho mình một “cái tát” để đời. Lúc đó tôi thi vào lớp kịch nói nên cứ lân la đi hỏi kinh nghiệm đàn anh. Ông Hòa Tâm gợi ý bảo tôi thử diễn một cảnh khóc. Khóc thế quái nào được! Thấy mặt tôi cứ trơ ra, ông ấy thẳng tay cho một cái tát như trời giáng, giữa ban ngày mà sao tóe đầy trời! Thật ức đến ứa nước mắt. Ông ấy vỗ đùi, cười ha hả: “Thấy chưa, khóc được rồi kia kìa. Chú mày hận tao quá nên mới khóc được chứ gì? Đấy chính là vấn đề, khi nhập vai phải nghĩ mình ở trong hoàn cảnh ấy, phải có nội tâm, thì diễn mới có hồn”.
Những ai sống cùng thời với Văn Hiệp đều biết đến ông với những vai “nghiêm túc” đã từng để lại dấu ấn một thời trên sân khấu kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam. Vai Vinh trong vở “Bài ca Điện Biên” là một vai diễn ấn tượng. Sau vai diễn này, Giám đốc Mạnh Linh tăng cho Văn Hiệp hai bậc lương, còn đạo diễn Doãn Hoàng Giang, một người bạn đồng niên thì nhìn ông bảo: “Mày diễn như có “ma”!
Tuy nhiên, vai diễn đánh dấu sự khởi nguồn hài kịch của Văn Hiệp chính là vở “Nghêu, Sò, Ốc, Hến”. Đạo diễn Dương Ngọc Đức đã chọn Văn Hiệp vào vai Ốc và với tài diễn xuất của mình, ông đã tạo được một Ốc có một không hai trong các vai Ốc của tích tuồng này. Một Ốc rất láu cá, khôn ngoan nhưng lại duyên dáng và hấp dẫn.