– Dùng làm thuốc bổ trị đau xương, nhức mình mẩy: Chế thành cao quả sung thằn lằn: Lấy quả sung thằn lằn thái nhỏ nấu với nước bỏ bã cô đặc thành cao, ngày uống 5 – 10g, trị các chứng đau xương ở người già, còn có tác dụng điều kinh giúp tiêu hóa.
– Chữa tắc tia sữa, sưng vú, sản phụ ít sữa: Quả thằn lằn 40g, bồ công anh 15g. Sắc uống. Kết hợp dùng lá bồ công anh giã nhỏ và đắp vào chỗ sưng đau; cao quả thằn lằn, lấy quả chín thái nhỏ, nấu với nước, lọc bỏ bã, cô thành cao. Ngày uống 5 – 10g.
– Ngâm rượu bổ uống chữa di tinh, liệt dương: Lấy cành, lá, quả thằn lằn non phơi khô khoảng 100g, đậu đen 50g. Xay thô 2 thứ và ngâm trong 250ml rượu trắng, ngâm 10 ngày, ngày uống 10ml mỗi lần, ngày uống 3 lần.
– Chế biến thành thức uống thanh nhiệt giải khát: Quả chín rửa sạch, xay nhuyễn, cho qua túi vải ép lấy nước cốt. Để yên một lúc nước này sẽ đông thành khối do thành phần chất nhày trong quả, đem thái thành sợi như thạch, thêm nước đường để ăn hoặc uống rất tốt.
Ngoài ra, có thể dùng quả thằn lằn làm thuốc điều kinh (trị kinh ít, bế kinh, thống kinh), làm thuốc dục sản, trị sỏi tiết niệu, giúp tiêu hoá…
Theo kết quả nghiên cứu mới đây đã tìm thấy trong quả và toàn cây thằn lằn có chứa nhiều chất chống oxy hóa gồm 4 chất có cấu trúc flavonoid, trong đó quan trọng nhất là rutin. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, rutin có tác động chống oxy hóa mạnh nhất là khử hết các gốc tự do sản sinh trong tế bào.