Việt vương mừng rỡ, ban cho thêm một chữ ‘nữ’ nên gọi là Việt Nữ. Lại sai năm đội trưởng giỏi nhất ra học để đem về dạy cho quân sĩ. Thành thử thời đó người ta gọi đó là Kiếm Pháp của Công Chúa nước Việt (Việt Nữ chi kiếm) (Trích nguyên bài Việt Nữ Kiếm từ đâu mà ra của Nguyễn Duy Chính).
Mặc dù ‘Việt Nữ Kiếm’ lợi hại như vậy, và nàng thiếu nữ đã xử dụng tới mức thâu phát tùy ý, nhưng mặc nàng đâm chém, bổ phạt kiểu nào, đường kiếm vẫn không xâm phạm được tà áo của người thanh niên này. Chàng ta cứ ung dung lạng giữa vào đường kiếm, tránh né nó trong đường giây kẽ tóc. Thuật tránh né của chàng hết sức độc diệu, bởi thông thường khi tránh né những chiêu tấn công của địch, đa số, các tay võ thuật đều lùi lại, hoặc ra chiêu thức chống lại, nhưng đằng này, chàng trẻ này cứ lao tới theo mũi kiếm, đường kiếm từ trái qua phải, thì chàng cũng theo sát lấy nó từ trái qua phải. Điều hay của chàng là tuy cùng di động cùng hướng, nhưng người ngoài không cách nào phân biệt ra được nàng chém xuống trước, hay chàng né xuống trước mà chỉ có thể nó song song với nhau.
Thấm thoát đã trao đổi qua trăm chiêu, người con gái áo đỏ đã thấm mệt nhoài và ngán trước tài nghệ siêu quần của chàng trai này, bèn vung ra chiêu tối độc của Việt Nữ Kiếm là ‘Nhất kiếm trảm Bạch Viên’. Muôn ngàn mũi kiếm phát toé tưởng chừng không lối thoát, trăm hư nhưng lại nhất thật, nàng này dùng hết sức phi thân chỉa ngay yết hầu chàng thanh niên này đâm vào. Người thanh niên cũng không phải tay vừa, chàng mỉm cười, đứng tro như một pho tượng gỗ, và chỉ khi trăm hư đã hết, nhất thật đang phi tới, thì chàng hú một tiếng, đề tụ chân khí, nhúng chân phi lùi một bước dài. Một người bay tới, một người phóng lùi, chiêu vừa dừng thì người cũng hết lùi. Khoảng cách của kiếm và người cũng chỉ cách nhau vài ly. Thế là ‘Việt Nữ Kiếm’, một bài kiếm lừng danh của đất Việt đã được phá giải bởi một thân pháp ảo diệu huyền xảo. Âu người chế kiếm pháp là một người thiếu nữ vô danh thì trăm năm sau được phá giải bởi một người thanh niên vô danh cũng không gì là lạ.