Bác sĩ Dương Thị Thanh (TT tư vấn và chăm sóc người cao tuổi TP.HCM) đã từng tư vấn thành công trường hợp vợ “đông” chồng “xuân” của bà Hồng Ân, một nhân viên ngân hàng đã nghỉ hưu. Ở tuổi U60, chồng bà Hồng Ân không chỉ cặp bồ một cách lộ liễu với người ông từng thuê nuôi bệnh, mà còn tuồn tiền của gia đình nuôi cả bầy con “tu hú”, đối xử tệ bạc với vợ. Con cháu khuyên can không được, bất mãn, từ cha, ông cũng mặc kệ. Bà Hồng Ân vì sợ lời dị nghị nên không ly dị theo ý muốn của các con, nhưng bảo ông “ngừng yêu” thì vô hiệu.
Nhờ sự tư vấn của BS Thanh, bà Hồng Ân đi nhuộm tóc, chăm chút ăn mặc tươm tất hơn để chồng khỏi chán khi nhìn. Bà còn học cách nghĩ thoáng, rủ ông tham gia các sinh hoạt tập thể, CLB để vợ chồng gắn bó với nhau hơn. Bà chủ động thỏa thuận: ông chỉ xài trong khoản tiền thuê nhà, mọi nguồn thu khác bà quản lý để lo tiền chợ, đám tiệc, cho con cháu đi học… Dần dần ông đã tự quay về với gia đình.
Tình trạng cũng không mấy sáng sủa khi đổi lại: chồng “hết lực” nhưng vợ vẫn tràn trề sinh lực. Tình yêu không có tuổi, nhưng nhiều cha mẹ thường cấm cản con gái mình lấy chồng bằng tuổi hoặc nhỏ hơn vì như thế xác suất “chênh mùa” sẽ cao hơn từ tuổi trung niên, bởi người chồng thường bỏ rơi vợ đi tìm của lạ.