Mậu Thân 1968, lúc ấy tôi vừa đúng 17 tuổi. Bạn bè trong lớp thằng nào cũng xung phong đi bộ đội, nhất là những thằng học dốt, càng dốt thì người ta càng hăng. Tôi học hành cũng có thể tạm coi là giỏi giang, nhưng hứng chí anh hùng thời loạn, cũng muốn nhập ngũ để ra chiến trường. Ngặt nỗi lý lịch không được tươm tất, bố tôi là thời trước là địa chủ, nên huyện đội không nhận. Bác chủ tịch xã, vốn có chịu chút ơn huệ với gia đình tôi, nghe vậy thì rất mực động viên cho tôi vào làm thành viên của đội sản xuất Trần Quốc Toản của hợp tác xã.
Tuy tên đội sản xuất là Trần Quốc Toản nhưng chẳng có ai là thanh niên trai tráng, ngoài tôi. Đội có 20 người, gồm bảy tám bà già, mấy chị trung niên và số còn lại là thiếu phụ hoặc thanh nữ.
Một chiều, đội Trần Quốc Toản chúng tôi đi cấy. Cấy lúa có vẻ như là một công việc không đòi hỏi nhiều sức lực so với giã gạo hay cày bừa, nhưng không hề kém phần mệt mỏi với những người quen việc, đối với kẻ thư sinh không quen việc nhà nông như tôi, cấy lúa còn vất vả bội phần. 😐
Các bà các chị đội viên vừa cấy lúa vừa hát hoặc trêu đùa nhau, hoặc kể chuyện chiến trường, tình hình thư từ cho các ông chồng kiếm chiến sĩ ngoài chiến trường xa.